(Chinhphu.vn) – Sáng 11/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để cho ý kiến vào dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần do Bộ Tài chính soạn thảo.

1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Nghị định số 59/2011/NĐ-CP , Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa (CPH) được ban hành trong thời gian qua cơ bản đã tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi CPH DNNN, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng quá trình CPH theo các quy định trên cho thấy việc đổi mới phương thức quản lý chưa rõ ràng (tỷ lệ cổ phần Nhà nước còn nắm giữ lớn ở nhiều DN); thời gian CPH kéo dài ở DN có quy mô vừa và lớn, tình hình tài chính phức tạp, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù; một số DN được áp dụng cơ chế đặc thù khi CPH nhưng chưa được quy định cụ thể; cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn bất cập do nhà đầu tư chiến lược phải cam kết cung cấp nhiều nguồn lực nhưng bị hạn chế bán cổ phiếu trong vòng 5 năm; chưa có quy định xử lý nhà đầu tư chiến lược làm sai cam kết,…

Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là CPH tiếp tục được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần phải có cơ chế hướng dẫn hoàn chỉnh, phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN, tổ chức định giá sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình CPH với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN sau CPH.

Bên cạnh đó, Nghị định 59 cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN…

Từ yêu cầu đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ ban hành nghị định mới quy định việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần thay cho Nghị định 59.

Bộ Tài chính cũng nêu việc điều chỉnh, bổ sung 14 nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định mới về đối tượng áp dụng, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (trong đó có việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau bán đấu giá công khai, không được chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược trong 3 năm…), về chi phí thực hiện CPH, tư vấn xác định giá trị DN, xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN, thực hiện kiểm toán Nhà nước với DN CPH, xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, sử dụng kết quả xác định giá trị DN, về bán cổ phần lần đầu, quản lý tiền thu từ CPH, chính sách ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại DN CPH,…

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong triển khai xây dựng dự thảo, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ căn cứ pháp lý để sửa đổi, bổ sung các quy định chuyển DNNN thành công ty cổ phần, trong đó xử lý hiệu quả các bất cập hiện nay của quá trình này.

Theo Phó Thủ tướng, trước mắt dự thảo cần bám sát các quy định CPH ở các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại DN, Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời những vấn đề mới thì bảo đảm không được trái Hiến pháp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục gợi mở 4 mục tiêu mà Nghị định phải hướng tới. Thứ nhất là không để quyền lợi Nhà nước bị xâm phạm khi mà dư luận xã hội đang bức xúc việc định giá tài sản DNNN có vấn đề, nên khi CPH, Nhà nước bị thất thoát tài sản, vốn.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị DN, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai,… Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu trường hợp DN sau CPH đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất thì tính toán áp thuế ra sao?

Về phương pháp tính, Phó Thủ tướng đề nghị ngoài phương pháp định giá tài sản thì Bộ Tài chính sử dụng thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu để tính toán linh hoạt giá trị tài sản gắn liền với DN.

Thứ hai, mục tiêu của giải pháp CPH DNNN hướng tới đa sở hữu DN, là xu hướng vận hành của thị trường hiện đại. “Vậy xử lý như thế nào với trường hợp CPH thành tư nhân hóa, tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người? Có câu chuyện xác định được cổ đông chiến lược nhưng khi bán cổ phần phổ thông thì không ai mua, nhưng sau đó có cổ đông chiến lược lại mua hết thì có cấm đoán việc này không?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các bộ, ngành và cho rằng Nghị định cần phải tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, ban hành các kế hoạch CPH DNNN.

Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ quan điểm nhà đầu tư chiến lược trước hết phải có tư cách pháp nhân, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển DN khi được duyệt kế hoạch CPH và cuối cùng mới là vốn, chứ không nên quan niệm “có tiền là làm được tất”. Nếu nhà đầu tư khác ngành nghề thì phải có cam kết hợp tác với một đối tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực hoạt động chính của DN. Đồng thời dự thảo cũng phải ghi rõ lĩnh vực nào, trường hợp nào thì cần nhà đầu tư chiến lược, tiêu chuẩn của nhà đầu tư chiến lược, cam kết của nhà đầu tư chiến lược.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Nghị định phải phân loại cổ phiếu (dành cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và Nhà nước) theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN đi liền với quyền và nghĩa vụ của các bên trong sở hữu cổ phần, cổ phiếu của DNNN sau CPH.

Mục tiêu thứ 3 là nâng cao hiệu quả và quản trị DN và cuối cùng là Nghị định phải bảo vệ Nhà nước trong một số trường hợp quan trọng, ví dụ như giữ thương hiệu quốc gia. “Phải quy định cổ đông chiến lược cam kết bảo vệ thương hiệu, ngay cả Cộng hòa Pháp cũng quy định khi cổ phần hóa DNNN thì nhà đầu tư chiến lược phải cam kết 15 năm gắn bó với DN”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định để đạt được các mục tiêu trên.

Về một số nội dung cụ thể khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng dự thảo Nghị định vẫn chưa đề cập đến việc giải quyết các vấn đề tồn tại trước và sau CPH DNNN về tài chính, pháp lý, niêm yết trên thị trường chứng khoán để tránh chuyện DN sau khi CPH vẫn đòi Nhà nước giải quyết các vấn đề về sắp xếp lao động dôi dư, xử lý tài sản lúc CPH còn tồn đọng,…; đề nghị tập trung quản lý nguồn thu từ CPH DNNN tránh để tràn lan nhiều quỹ như hiện nay.

“Nghị định ban hành phải khắc phục được những bất cập, sơ hở nhưng không được bày đặt thêm thủ tục hành chính vô lý, rắc rối làm cản trở quá trình sắp xếp đổi mới DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động DN, bảo đảm công khai minh bạch”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu yêu cầu và đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị hồ sơ xây dựng Nghị định theo trình tự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.