Ngày 20/9/2017, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Định giá công nghệ tại Việt Nam, mã số 2016-21” (theo Quyết định số 1391/QĐ-BTC ngày 24/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) do ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Phạm Văn Bình, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đồng chủ nhiệm.


Ban Chủ nhiệm đề tài

Định giá công nghệ là một yếu tố quan trọng trong quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh; đồng thời là căn cứ và nền tảng để thực hiện quản lý tài sản nói chung và công nghệ nói riêng; là cơ sở để đưa ra các quyết định liên quan đến việc mua sắm mới, chuyển nhượng công nghệ đang sử dụng, đánh thuế… Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về nội dung và phương thức hoạt động của định giá công nghệ, tuy nhiên việc định giá công nghệ vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Do đó, việc nghiên cứu đề tài khoa học “Định giá công nghệ tại Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.


Hội đồng nghiệm thu

Bố cục và nội dung của đề tài rõ ràng, có tính gắn kết giữa các vấn đề, nội dung nghiên cứu và được trình bày trong 3 chương: Chương I “Lý luận chung về định giá công nghệ”; chương II “Thực trạng định giá công nghệ tại Việt Nam”; chương III “Giải pháp hoàn thiện định giá công nghệ tại Việt Nam”.
Chương I của đề tài đã phân tích và làm rõ tính cấp thiết của vấn đề cần nghiên cứu, đưa ra những khái niệm về công nghệ, định giá công nghệ theo pháp luật Việt Nam; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về định giá công nghệ, qua đó rút ra các bài học về hoàn thiện hệ thống pháp lý, vai trò quản lý nhà nước về phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đăng ký quyền sở hữu và định giá công nghệ; gắn kết giữa nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; các quy trình và phương pháp định giá công nghệ có thể áp dụng ngay trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Chương II đã có những phân tích sâu sắc, khoa học về thực trạng định giá công nghệ ở Việt Nam, chỉ rõ những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong định giá công nghệ.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, đề tài đã đề xuất các giải pháp tương đối toàn diện để nâng cao hoạt động định giá công nghệ tại Việt Nam ở chương III, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp, bao gồm: (i) Hoàn thiện các quy định về định giá công nghệ; (ii) Sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức liên quan đến định giá; (iii) Hoàn thiện quy trình định giá công nghệ; (iii) Hoàn thiện các phương pháp định giá công nghệ; (v) Các giải pháp hỗ trợ khác.


Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Đề tài sẽ hoàn thiện hơn nếu làm rõ các điều kiện để áp dụng những bài học kinh nghiệm quốc tế tại Việt Nam; chỉ rõ những hạn chế tồn tại trong quy trình mà Việt Nam đang thực hiện để tham chiếu tới quy trình chuẩn 9 bước nhằm phát triển định giá công nghệ ở Việt Nam; bổ sung báo cáo về tình hình nguồn lực đầu tư trong việc phát triển thị trường công nghệ và định giá công nghệ…
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là công trình nghiên cứu khoa học độc lập, công phu, có hàm lượng khoa học cao. Những khuyến nghị về giải pháp chính sách của đề tài là cơ sở, căn cứ quan trọng nhằm hoàn thiện tổ chức công tác định giá, quy trình và phương pháp định giá công nghệ tại Việt Nam; xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ…