Sáng 3/8, Bộ Tài chính phối hợp với Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức lấy ý kiến DN, hiệp hội ngành nghề về dự án Luật Quản lý thuế (QLT) sửa đổi. Tham dự hội thảo có thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, cùng đại diện một số cục thuế, Hiệp hội, doanh nghiệp kế toán, kiểm toán như: Hiệp hội DNVVN; Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam; Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam; Công ty Deloittte Việt Nam; Công ty Ern&Young Việt Nam; Công ty Thuế và tư vấn KPMG.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các cuộc họp, hội thảo Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tổ chức để lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, các Hiệp hội ngành nghề, các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm triển khai xây dựng Luật Quản lý thuế (Sửa đổi).

Thứ trưởng Trần Xuân Hà chủ tri Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Luật QLT sửa đổi hướng tới mục tiêu tạo các quy định rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra về chức năng và đối tượng, tạo cơ sở pháp lý cho hệ thống quản lý thuế hiện đại trong thời gian tới.

Về tiến độ triển khai thực hiện, Thứ trưởng cho biết: Cuối tháng 8/2018, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ; Tháng 9 phối hợp với UB Tài chính-ngân sách của Quốc hội để thẩm định, sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến sẽ trình Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2018; Dự kiến trình Dự luật hoàn thiện để ban hành vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2019. Nếu được thông qua Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Do thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng công việc lớn, do đó, Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tham gia, phản biện của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội, chuyên gia để Ban Soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật, đáp ứng được mục tiêu đã đặt ra và có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện.

Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã giới thiệu những điểm mới trong dự án Luật QLT sửa đổi. Theo đó, ông Tuấn cho biết dù Luật Quản lý thuế hiện hành đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người nộp thuế (NNT), tuy nhiên, để nâng cao tính tuân thủ của NNT trong việc thực thi pháp luật về thuế, dự thảo Luật QLT sửa đổi đã bổ sung hoàn thiện các quy định này. Theo đó, về quyền lợi của NNT, Điều 7 đã bổ sung các quyền được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn. NNT không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp NNT thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế.

Về thủ tục khai, tính thuế và nộp thuế, Luật QLT bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa NNT và cơ quan thuế. Để cải cách việc quyết toán thuế TNCN theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ NNT tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế TNCN, tại Luật QLT đã sửa đổi quy định về thời hạn quyết toán thuế đối với TNCN là 120 ngày kể từ ngày kết thúc dương lịch (kéo dài thêm 01 tháng so với thời hạn quyết toán của DN). Dự thảo Luật QLT sửa đổi cũng bổ sung quy định NNT được khai bổ sung hồ sơ sau khi cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã công bố kết luận thanh, kiểm tra thuế. Chế tài xử lý về số thuế khai bổ sung như đối với trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền thanh kiểm tra phát hiện.

Ông Cao Anh Tuấn-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giới thiệu những nội dung về dự án Luật QLT sửa đổi

Dự thảo Luật QLT sửa đổi cũng bổ sung quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. Theo đó, bổ sung quy định xóa nợ thuế đối với Chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, trong khi Luật hiện hành chỉ quy định xóa nợ đối với cá nhân đã chết.

Về thẩm quyền xoá nợ: Thủ tướng Chính phủ xóa nợ đối với trường hợp NNT có số tiền nợ từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp NNT có số tiền nợ thuế đến dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan xoá nợ đối với trường hợp NNT nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 05 tỷ đồng. Cục trưởng cục thuế, Cục trưởng Cục hải quan xoá nợ đối với trường hợp nợ nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 01 tỷ đồng.

Ngoài ra, Luật quy định xóa nợ đối với các khoản nợ đã thực hiện hết các biện pháp cưỡng chế theo hướng: Đối với khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá mời năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nhưng không có khả năng thu hồi, đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng (Luật QLT hiện hành quy định 07 biện pháp cưỡng chế) thì thuộc trường hợp được xóa nợ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá dự thảo Luật QLT sửa đổi lần này đã có nhiều nội dung sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông qua những quy định rõ ràng minh, bạch hơn. Các DN đánh giá cao một số quy định liên quan đến việc không xử phạt vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp do NNT thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế “Khi đọc được quy định như trên chúng tôi thấy vui mừng, các doanh nghiệp khác cũng vui theo. Quy định mới này giúp DN tự tin hơn”, Đại diện Công ty TNHH thuế và tư vấn KPMG chia sẻ. Một số đại biểu cũng kiến nghị nên tăng thời gian chuẩn bị hồ sơ đối với DN để việc kê khai được đúng đủ số thuế phát sinh đồng thời kiến nghị cần có những quy định mềm dẻo về cưỡng chế thuế để các DN có điều kiện phát triển kinh doanh và trả nợ cho NSNN.