Nhiều nông dân cho rằng yêu cầu thế chấp sổ đỏ quá khó khăn cho họ, trong khi nhiều trường hợp có tài sản nhưng để vay được vốn vẫn phải làm hàng núi giấy tờ mới chứng minh được sự “đảm bảo” hoặc bị định giá rất thấp.

le-quan-gthanh-9961-1477898791
Ông Lê Quang Thành – đại diện Công ty Thái Dương đề nghị thay đổi cơ chế về tài sản đảm bảo.

Những khó khăn về vay vốn nông nghiệp, nông thôn vừa được nêu ra tại Hội thảo về tín dụng cho khu vực này do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức. Khó khăn lớn nhất, theo các doanh nghiệp nông nghiệp, chính là định giá tài sản. Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Dương – đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi đề xuất nên thay đổi cơ chế thế chấp tài sản. Theo ông, thủ tục pháp lý vay vốn hiện quá phức tạp.

“Để vay, nông dân phải làm nhiều thủ tục và có hàng núi giấy tờ để có tài sản đủ điều kiện. Ngoài ra, nông dân không có tài sản đảm bảo vì ngân hàng không nhận vật nuôi, nếu có thì lại đánh giá chỉ bằng 20% giá trị nên để có 100 đồng thì phải thế chấp 500 đồng”, ông Thành nói.

Tương tự, bà Trần Thị Mý, nông dân xuất sắc thôn Phù Lang, xã Phù Lương, Quế Võ, Bắc Ninh dù đã được tiếp cận vốn Agribank và hưởng nhiều sự hỗ trợ của ngân hàng nhưng vẫn đề xuất nên thay đổi cách đánh giá tài sản thế chấp. Bà cho biết đã thế chấp 6 bìa đỏ, trong đó có 2 bìa đỏ của nhà nhưng mới vay được 2,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Thắng, nông dân xuất sắc xã Đồng Vàng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang cũng cho rằng chính sách tài sản đảm bảo hiện không phù hợp vì ngân hàng không cho thế chấp bằng máy móc. “Khi tôi hỏi, các ngân hàng huyện nói là có bìa đỏ mới cho vay. Mà bìa đỏ của nông dân chỉ vài chục triệu đồng trong khi nhà xưởng tôi 2-3 tỷ đồng”, ông Thắng nói.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc hỗ trợ tín dụng nông thôn khá rốt ráo. Nhưng thời gian qua, những vấn đề như lãi suất, vốn, tài sản đảm bảo, thời hạn, thủ tục vay vốn… vẫn được đề cập nhiều.

“Do đó, cần xác định việc phát triển tín dụng nông thôn là thiếu cơ chế chính sách chứ không phải thiếu vốn. Cơ chế ở đây là cơ chế phù hợp, không phải trên mây trên gió”, ông Tú khẳng định.

Theo thống kê, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến tháng 9/2016 là 925.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2009. Trung bình, các nhà băng dành gần một phần năm nguồn vốn tín dụng để cho vay nông nghiệp nông thôn.

Thanh Thanh Lan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *