Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4393 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Cụ thể, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính (Công văn số 2000/BTC- TTr ngày15/2/2017) và ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Xây dựng, Tài Nguyên và môi trường, Thanh tra Chính phủ về việc quản lý sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có công văn trả lời.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Đất đai năm 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất.

Trước đó, Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá. Trong danh sách tham khảo do Bộ Tài chính gửi lên Thủ tướng Chính phủ bao gồm 60 dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó bao gồm nhiều dự án lớn tại Hà Nội và TPHCM.

Có thể kể đến một số dự án như dự án chung cư thương mại của Công ty CP Phát triển địa ốc Sài Gòn 5, dự án cao ốc Res 11 của Công ty CP Địa ốc 11. Ngoài ra còn có dự án thương mại và dịch vụ văn phòng officetel và căn hộ của Công ty CP Thương mại Phú Nhuận với tên gọi Orchard Garden tại 128 Hồng Hà.

img-1241-1494467605148-1494597283719

Nhiều khách hàng mua nhà tại các dự án bị đề nghị thanh tra đang rất hoang mang.

Dự án chung cư nhà ở thấp tầng của CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex, toà nhà hỗn hợp của CTCP Heteco Hà Nội, khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan, 1141 Giải Phóng, dự án Pandora 53 Triều Khúc, dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng, dự án Capital Garden 102 Trường Chinh, dự án Hancico 3.7 Hoàng Đạo Thuý (Lê Văn Lương)…

Đáng lưu ý, danh sách này hé lộ một loạt dự án hiện vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Bao gồm: dự án Pandora 53 Triều Khúc còn nợ tiền sử dụng đất hơn 145 tỷ đồng; dự án 89 Thịnh Liệt (1141 Giải Phóng, Hà Nội) nợ gần 175 tỷ đồng; khu văn phòng làm việc và cho thuê của Công ty CP Thuỷ sản khu vực 1 tại số 36 ngõ 61 Lạc Trung (Hà Nội) nợ hơn 67 tỷ đồng; dự án toà nhà Lũng Lô (Nghệ An) nợ gần 18 tỷ đồng….

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.

Ngay sau khi văn bản kiến nghị của Bộ Tài chính được công khai đã khiến người dân mua nhà có tên trong danh sách 60 dự án trên rất lo lắng. Họ lo sợ dự án bị tạm ngừng thi công sẽ ảnh hưởng tới tiến độ rồi sau này có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.

Trước tình trạng này, ngày 11/5 ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện doanh nghiệp phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra của cơ quan có thẩm quyền. Điều này giúp các doanh nghiệp hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.