PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ DỊCH VỤ VẬN HÀNH KHAI THÁC BẾN PHÀ ĐƯỜNG BỘ

Hoàng Thiên Long

Căn cứ thẩm quyền được giao và sự cần thiết, đặc thù về dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận hành khai thác bến phà đường bộ sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã hành Thông tư số 39/2020/TT-BGTVT ngày 31/12/2020 hướng dẫn phương pháp xây dựng phương án giá, quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ trên hệ thống quốc lộ sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương khi thực hiện phương thức đặt hàng. Trong đó, Thông tư số 39/2020/TT-BGTVT hướng dẫn phương pháp xây dựng phương án giá (định giá) đối với 02 dịch vụ mà phạm vi Thông tư hướng dẫn.

Phương pháp định giá do Bộ Giao thông vận tải ban hành vừa có tính thống nhất cao với nguyên tắc định giá nhà nước, phương pháp định giá chung của hàng hoá dịch vụ, vừa có tính đặc thù phù hợp đặc trưng cung ứng dịch vụ.

Nguyên tắc định giá hàng hoá, dịch vụ của Nhà nước quy định tại Luật giá, Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phương pháp định giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ như sau: “1. Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. 2. Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi”. Đồng thời, tại Điều 4 Thông tư số 25/2014/TT-BTC hướng dẫn căn cứ định giá chung: “1. Giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến; lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 2. Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; 3. Giá thị trường trong nước, thế giới (nếu có) và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá; cam kết quốc tế về giá (nếu có)”.

Kế thừa nguyên tắc, căn cứ định giá chung hàng hoá, dịch vụ, tại Thông tư số 39/2020/TT-BGTVT đã hướng dẫn nguyên tắc định giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ như sau:

“1. Xác định bằng dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận hành khai thác bến phà đường bộ;

2. Bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ để hoàn thành một đơn vị khối lượng dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, bảo trì đường bộ hoặc quy trình vận hành khai thác bến phà đường bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

3. Phù hợp với mặt bằng giá, tình hình thị trường nơi thực hiện dịch vụ sự nghiệp công, khối lượng, chất lượng dịch vụ và được xác định trên cơ sở hiện trạng công trình, cụ thể như sau:

a) Đối với các công việc có tính chất thường xuyên: được xác định định kỳ hàng năm;

b) Đối với các công việc khác: được xác định phù hợp với tính chất công việc theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, pháp luật về giao thông đường bộ và ngân sách nhà nước;

4. Không tính trong giá dịch vụ sự nghiệp công các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động cho việc thực hiện dịch vụ công. Trong trường hợp theo quy định của pháp luật phải phát sinh các chi phí liên quan khác như: tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra, kiểm toán, tư vấn khác liên quan; thẩm định, quyết toán; đảm bảo an toàn giao thông phục vụ công tác thi công sửa chữa công trình; bảo hiểm hoặc các chi phí khác thì các chi phí này được tính riêng cho từng nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở căn cứ vào quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước”.

Theo đó, ngoài những nguyên tắc tương tự với nguyên tắc định giá chung của hàng hoá, dịch vụ, việc định giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ cần phải thực hiện theo một số nguyên tắc đặc thù của dịch vụ như: Phù hợp tình hình thị trường nơi thực hiện dịch vụ sự nghiệp công, khối lượng, chất lượng dịch vụ và được xác định trên cơ sở hiện trạng công trình; được phân biệt theo tính chất công việc đối với các công việc có tính chất thường xuyên (được xác định định kỳ hàng năm) và đối với công việc khác (được xác định phù hợp với tính chất công việc theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, pháp luật về giao thông đường bộ và ngân sách nhà nước); ngoài ra, có thể tính thêm các chi phí tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra, kiểm toán, tư vấn khác liên quan; thẩm định, quyết toán; đảm bảo an toàn giao thông phục vụ công tác thi công sửa chữa công trình; bảo hiểm hoặc các chi phí khác thì các chi phí này được tính riêng cho từng nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở căn cứ vào quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

Ngoài ra, tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC, Bộ Tài chính hướng dẫn 02 phương pháp định giá chung hàng hoá, dịch vụ gồm phương pháp so sánh và phương pháp chi phí, trong đó phương pháp so sánh là phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế, kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến mức giá của hàng hóa, dịch vụ cần định giá với hàng hóa, dịch vụ tương tự được giao dịch trên thị trường trong nước; có tham khảo giá cả trên thị trường khu vực và thế giới (nếu có); phương pháp chi phí là là phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và mức lợi nhuận dự kiến (nếu có) phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chính sách của Nhà nước có tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ.

Trong khi đó, tại Thông tư số 39/2020/TT-BGTVT hướng dẫn các phương pháp định giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận hành khai thác bến phà đường bộ: (1). Định mức chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%); (2). Khối lượng và đơn giá, trong đó gồm: khối lượng công việc thực hiện phù hợp kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kế hoạch vận hành khai thác bến phà đường bộ và đơn giá các công việc tương ứng (trừ trường hợp công việc khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1); (3). Kết hợp các phương pháp nêu trên.

image

Ngoài ra, Thông tư số 39/2020/TT-BGTVT hướng dẫn cụ thể, chi tiết nguyên tắc phương pháp định giá đối với từng nội dung công việc là nội hàm của dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận hành khai thác bến phà đường bộ và cách xác định từng loại chi phí cấu thành được hướng dẫn chi tiết để phù hợp với đặc thù dịch vụ sự trên.

Phương pháp định giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ góp phần hoàn thiện hệ thống phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hướng dẫn phương pháp định giá đối với các nội dung đặc thù để khắc phục những tồn tại của phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản, cốt lõi của định giá nhà nước vẫn được hướng dẫn thống nhất trong phương pháp định giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ.

Thông qua việc ban hành phương pháp định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận hành khai thác bến phà đường bộ, việc xác định giá của dịch vụ sự nghiệp công này được tiệm cận với giá trị, bù đắp các loại chi phí, góp phần đưa giá dịch vụ sự nghiệp công theo mức giá thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, người cung cấp dịch vụ và nhà nước, từ đó gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.