(BĐT) – Những sai phạm trong hoạt động thẩm định giá có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp. Khi một số vụ việc vỡ lở, nhân viên thẩm định giá đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính của những vụ việc này là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Thưa ông, các doanh nghiệp thẩm định giá đã xuất hiện từ khá lâu và số lượng khá lớn, song đến nay, nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực hoạt động này vẫn chưa chuyên nghiệp. Ông bình luận gì về điều này?

Việc đánh giá thị trường hoạt động chưa chuyên nghiệp không hẳn đúng. Trước hết, khung khổ pháp lý liên quan đến hoạt động thẩm định giá đã cơ bản hoàn thiện với nội dung quy định tại Luật Giá và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động thẩm định giá đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của xã hội về đấu giá, mua bán tài sản, chuyển nhượng, thế chấp, vay vốn, tính thuế… Hoạt động thẩm định giá đã giúp tiết kiệm cho các chủ tài sản khi mua sắm từ 10 – 15% giá trị so với tổng giá trị tài sản nếu không được thẩm định giá.

Hàng năm, Bộ Tài chính đều đánh giá hoạt động của lĩnh vực này. Kết quả năm 2017 cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp thẩm định giá chấp hành tốt các quy định, quy trình và tiêu chuẩn, dù cũng có một số sự vụ khiến khách hàng khiếu nại, tố cáo song chỉ là số nhỏ. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận là đã có những vụ sai phạm đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực này, chẳng hạn như vụ cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra.

Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến những trường hợp như vậy là gì?

Những sự vụ như vậy chủ yếu xuất phát từ những doanh nghiệp không tuân thủ quy định về quy trình thẩm định giá. Tôi biết có trường hợp nhân viên thẩm định giá không đi khảo sát thực tế tài sản mà chỉ dựa theo các báo giá tham khảo để “đóng dấu” thẩm định giá hoặc đưa ra giá theo cách “áng chừng” mà không có căn cứ cụ thể. Cách làm như vậy chắc chắn là không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là vẫn có nhiều doanh nghiệp làm việc nghiêm túc, đúng quy trình. Năm 2017, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá chất lượng hơn 150 doanh nghiệp thẩm định giá trong tổng số 290 doanh nghiệp đang hoạt động. Kết quả cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp đáp ứng đúng quy trình và tuân thủ tốt quy định.

Những doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường sẽ rất khó cạnh tranh, do đó, họ phải làm nhiều cách để vừa lòng khách hàng. Sai sót, vi phạm có thể bắt nguồn từ đây không, thưa ông?

Hiện nay, khi cần định giá tài sản lớn có giá trị khoảng trên 30 tỷ đồng, các khách hàng thường có xu hướng tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ thẩm định giá chứ không chỉ định doanh nghiệp thực hiện dịch vụ này. Với tài sản có giá trị nhỏ hơn, khách hàng có nhu cầu định giá thường lựa chọn các công ty lớn và có uy tín trên thị trường để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sinh ra thị trường “ngầm” với hoạt động này.

Thường là những doanh nghiệp nhỏ và mới tham gia thị trường hay có tình trạng dùng những cách thức không đàng hoàng để giành giật khách hàng. Quan sát của tôi cho thấy, nhiều năm trước, tình trạng cạnh tranh trong lĩnh vực này diễn ra với xu hướng “cá lớn nuốt cá bé”, còn hiện nay thì ngược lại, “cá bé lại hay rỉa cá lớn”.

Các thủ đoạn cạnh tranh không tích cực là giảm giá dịch vụ, bởi giá dịch vụ là theo thỏa thuận giữa hai bên mà không có khung. Khi giá dịch vụ quá thấp thì khó có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đã có trường hợp nhân viên thẩm định giá không khảo sát thực tế tài sản của doanh nghiệp, đến lúc doanh nghiệp này có sai phạm và công an vào cuộc thì nhân viên thẩm định giá đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Hoặc có trường hợp, thẩm định viên thông đồng với khách hàng, thực hiện không đúng quy định, hoặc đưa giá cao khi thẩm định giá tài sản nhà nước cần mua và ngược lại đưa giá thấp khi thẩm định giá tài sản nhà nước cần bán.

Hội Thẩm định giá có đề xuất gì để lành mạnh hóa và đẩy mạnh sự phát triển của thị trường?

Để thị trường này phát triển tốt, điều quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát cạnh tranh trong hoạt động này. Hội Thẩm định giá đã gửi Bộ Tài chính một số đề xuất tại Đề án Kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá với các nội dung cụ thể về: kiểm soát chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá; kiểm soát giá dịch vụ thẩm định giá; bổ sung điều kiện thành lập và kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá…

Hoàng Oanh thực hiện

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *