Khoa TCDN tổ chức hội thảo khoa học “Xác định giá trị doanh nghiệp – Từ lí luận đến thực tiễn”

Xác định giá trị DN là một trong những nghiệp vụ rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, phục vụ cho quá trình ra quyết định của nhà quản trị DN và các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Việc xác định được giá trị DN trên cơ sở những phương pháp định giá khoa học và nguồn dữ liệu đáng tin cậy sẽ giúp nhà quản trị DN đưa ra các quyết định quản trị hướng đến mục tiêu tối đa hoá giá trị DN. Bên cạnh đó, xác định giá trị DN còn giúp cho nhiều chủ thể khác có thể đưa ra quyết định về các hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A), bán cổ phần ra công chúng và các hoạt động khác.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc xác định giá trị DN, tiếp nối thành công của hội thảo khoa học “Giám sát tài chính đối với DNNN và DN có vốn Nhà nước ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện Tài chính (HVTC) và sự giúp đỡ nhiệt tình của các Ban chức năng của Học viện, chiều ngày 01/06/2017, Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Xác định giá trị DN – Từ lí luận đến thực tiễn”.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo vinh dự đón tiếp sự tham gia của các đại biểu đến từ các Ban, Khoa của Học viện Tài chính: PGS.TS. Phạm Văn Liên – Phó Giám đốc HVTC; ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền – đại diện Ban Quản lý khoa học; TS. Phạm Thị Hồng Nhung – giảng viên Khoa Kinh tế. Về phía các đại biểu bên ngoài Học viện có: Ông Nguyễn Tuấn Duy – Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý Thuế Việt Nam (VTA); bà Dương Lan Anh – Phó Trưởng phòng chính sách về Giá và Thẩm định giá, Cục quản lí giá Bộ Tài chính; TS. Nguyễn Việt Dũng – Phụ trách bộ môn TCDN, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên; TS. Ngô Thị Thanh Huyền- Phụ trách bộ môn TCDN, Trường Cao đẳng Thống kê Bắc Ninh.

PGS.TS Phạm Văn Liên – Phó Giám đốc HVTC

Về phía khoa TCDN có PGS.TS. Bùi Văn Vần – Bí thư chi bộ, Trưởng khoa TCDN; PGS.TS Vũ Văn Ninh – Phó Trưởng khoa, Trưởng bộ môn TCDN; PGS.TS. Nghiêm Thị Thà – Phó trưởng khoa, Trưởng bộ môn Phân tích TCDN; TS. Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng Bộ môn ĐGTS; PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phó Trưởng khoa, Phó Trưởng bộ môn TCDN, cùng toàn thể các giảng viên, các nghiên cứu sinh đang sinh hoạt chuyên môn tại các bộ môn thuộc khoa TCDN và các nhà khoa học quan tâm tới chủ đề hội thảo.

PGS.TS. Bùi Văn Vần – Trưởng khoa TCDN và TS. Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng Bộ môn ĐGTS chủ trì hội thảo

Tại hội thảo lần này, Ban tổ chức Hội thảo của khoa đã nhận được nhiều bài viết từ các giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện Tài chính. Sau khi đọc – duyệt, Ban tổ chức đã lựa chọn được 29 bài viết xuất sắc để đăng vào Kỷ yếu Hội thảo Khoa học. Có thể nói rằng: 29 bài viết là 29 cách nhìn nhận sắc sảo, tinh tế của các tác giả về vấn đề xác định giá trị DN ở Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Bùi Văn Vần – Trưởng khoa TCDN nhấn mạnh: Xác định giá trị DN là hoạt động vừa đòi hỏi tính khoa học cao; nhưng mặt khác, đó cũng là một nghệ thuật; từ đó, Thầy cũng gợi ý một số định hướng mà các đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung giải quyết. Đó là:

– Thứ nhất, Làm rõ lý luận chung về giá trị DN và xác định giá trị DN

– Thứ hai, Đánh giá thực trạng xác định giá trị DN ở Việt Nam trong thời gian qua, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng các phương pháp xác định giá trị DN trong thực tế.

– Thứ ba, Đề xuất các kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp khoa học, hịên đại vào việc xác định giá trị DN ở Việt Nam.

PGS.TS Bùi Văn Vần cũng bày tỏ sự kì vọng tại hội thảo này, Ban tổ chức sẽ nhận được những ý kiến đóng góp hữu ích từ các vị khách mời, các diễn giả và các nhà khoa học. Thầy hi vọng rằng: Hội thảo sẽ là một diễn đàn hữu ích để các giảng viên, các nhà khoa học chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến việc vận dụng hợp lí phương pháp xác định giá trị DN tại Việt Nam.

Ngay sau phát biểu đề dẫn hội thảo của Trưởng khoa, các giảng viên, các nhà khoa học, cũng như các chuyên gia định giá đã lần lượt trình bày tham luận, cũng như sôi nổi trao đổi ý kiến xung quanh các định hướng mà ban điều hành hội thảo đã nêu ra chung quanh chủ đề “Xác định giá trị DN”.

TS Trần Đức Trung – giảng viên BM Phân tích TCDN trình bày tham luận

Mở đầu phần trao đổi là tham luận “Sự cần thiết phải xác định giá trị DN trên thị trường” do TS.Trần Đức Trung – giảng viên Bộ môn Phân tích TCDN trình bày. Trong tham luận của mình, TS.Trần Đức Trung đã đưa ra một con số đầy ấn tượng: 1,3 triệu tỉ đồng là số tiền vốn Nhà nước đầu tư vào các DN. TS.Trần Đức Trung cũng khẳng định việc xác định giá trị DN trên thực tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc áp dụng các phương pháp khác nhau luôn dẫn đến những kết quả khác nhau về giá trị DN, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa mục tiêu của việc xác định giá trị DN. Từ những lập luận của mình, TS. Trung nhấn mạnh: Để xác định đúng đắn và hợp lý giá trị DN trước hết cần phải nhận thức đúng về giá trị DN và sự cần thiết phải xác định giá trị DN trên thị trường.

PGS,TS.Bùi Văn Vần trao đổi ý kiến về tham luận của TS.Trần Đức Trung

“Mối quan hệ giữa nghiên cứu và phát triển với giá trị DN” là chủ đề tham luận của TS. Diêm Thị Thanh Hải – giảng viên Bộ môn TCDN, người đã có thời gian học tập, nghiên cứu dài hạn, hoàn thành việc bảo vệ luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ tại Italia. Bài tham luận được TS. Diêm Thị Thanh Hải đúc kết từ kết quả của quá trình nghiên cứu ở Italia, một trong các nước kinh tế thị trường phát triển. TS.Hải cho rằng hoạt động đổi mới và sáng tạo đã được các nước Châu Âu thực hiện từ những năm 2007- 2008, nhưng với nhiều DN ở Việt Nam thì đây vẫn là một vấn đề khá mới mẻ; nhiều DN do sự eo hẹp về nguồn lực tài chính nên chưa coi trọng đúng mức. Qua nghiên cứu số liệu của 416 DN ở Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển và Italia, TS.Hải đã chỉ ra rằng: chi phí R&D có tác động cùng chiều tới giá trị thị trường của DN. Tuy nhiên chất lượng công bố thông tin cũng ảnh hưởng rất lớn tới kết quả nghiên cứu. Đây là kết luận có ý nghĩa rất quan trọng đối với các giảng viên, các nghiên cứu viên, cũng như các nhà quản trị các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

TS Diêm Thị Thanh Hải – tham luận về mối quan hệ giữa nghiên cứu và phát triển với giá trị doanh nghiệp.

Trong tham luận của mình với tiêu đề “Nhân tố ảnh hưởng đến giá trị DN nhỏ và vừa ở Việt Nam khi định giá DN” của TS. Nguyễn Hồ Phi Hà – Phó trưởng Bộ môn Định giá tài sản, TS Phi Hà đã đề cập đến đặc điểm của các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam, cũng như các nhân tố ảnh hưởng tới việc xác định giá trị các DN vừa và nhỏ bao gồm: thị trường, khoa học công nghệ, lao động, trình độ quản lý, quy mô vốn, loại hình DN. Đây là những vấn đề mà các Thẩm định viên không thể bỏ qua trong quá trình xác định giá trị DN.

TS. Nguyễn Hồ Phi Hà – Phó trưởng Bộ môn ĐGTS tham luận về các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị DN nhỏ và vừa ở Việt Nam

Nhiệt huyết và tự tin, PGS.TS. Nguyễn Thị Hà – Phó trưởng Bộ môn TCDN đã trình bày tham luận với chủ đề “Xác định giá trị phần vốn góp của Tổng công ty Ruby tại công ty cổ phần Saphia – một tình huống thực tế về xác định giá trị DN”. Trong tham luận của mình, PGS.Hà đã dẫn chiếu trường hợp một công ty kiểm toán và thẩm định giá đã sử dụng phương pháp tài sản để tiến hành xác định giá trị DN và giá trị phần vốn góp của Tổng công ty Ruby tại công ty cổ phần Saphia; đồng thời sử dụng phương pháp so sánh và phương pháp chi phí để tiến hành đánh giá lại tài sản.

PGS.TS Nguyễn Thị Hà – Phó trưởng BM TCDN trình bày tham luận

Trao đổi thêm về bài tham luận, PGS.TS Nghiêm Thị Thà – Phó trưởng khoa, Trưởng BM Phân tích TCDN đã chỉ ra 03 nhược điểm cơ bản của phương pháp tài sản khi dùng để xác định giá trị DN; đồng thời nhấn mạnh đây là phương pháp chỉ áp dụng được trong phạm vi hẹp do đó, các nhà khoa học cần có cảnh báo cho các thẩm định viên khi sử dụng phương pháp này.

PGS.TS Nghiêm Thị Thà – Phó trưởng khoa TCDN, Trưởng BM Phân tích TCDN trao đổi trong buổi Hội thảo

Là một chuyên gia Thẩm định giá, Ông Nguyễn Tuấn Duy- Giám đốc công ty TNHH Thẩm định giá Việt Nam đã trao đổi ý kiến khá sôi nổi về quy trình và việc thực hiện quy trình thẩm định giá trong thực tế hiện nay; qua đó gợi mở nhiều vướng mắc trong thực tế rất cần thiết có sự nghiên cứu, tổng kết của các nhà khoa học thuộc khoa TCDN.

Ông Nguyễn Tuấn Duy – Giám đốc công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam

(VTA) trao đổi ý kiến về phương pháp Tài sản trong xác định giá trị DN

Với tư cách là một trong những người tham gia chấp bút soạn thảo các văn bản quy định xung quanh vấn đề định giá và thẩm định giá của Bộ Tài chính, Bà Dương Lan Anh – Phó Trưởng phòng Giá và chính sách giá, Cục quản lí giá – Bộ Tài chính đã nêu những thắc mắc của bản thân về các giả định xung quanh sự vận của dòng tiền trong quá trình xây dựng và hướng dẫn các đơn vị, cá nhân khi triển khai áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong xác định giá trị các DNNN cổ phần hoá, cũng như thực trạng các phương pháp đang được áp dụng để xác định giá trị DN ở Việt Nam.

Bà Dương Lan Anh – Phó Trưởng phòng Giá và chính sách giá, Cục quản lí Giá,

Bộ Tài chính đang nêu các câu hỏi với các nhà khoa học tại hội thảo xung quanh phương pháp “Chiết khấu dòng tiền”.

Các câu hỏi của bà Lan Anh đã được PGS,TS.Nguyễn Đăng Nam; PGS,TS. Bùi Văn Vần; PGS,TS.Vũ Văn Ninh và TS.Nguyễn Minh Hoàng lần lượt giải đáp thấu đáo, người nêu câu hỏi hoàn toàn mãn nguyện vì hiểu được cơ sở, đạo lý của việc đưa ra các giả định khoa học về sự vận động của dòng tiền trong phương pháp DCF.

PGS,TS. Vũ Văn Ninh – Trưởng BM TCDN đang giải đáp thắc mắc của đại diện Cục quản lý Giá, Bộ Tài chính.

Tiếp tục phần trao đổi là tham luận “Áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thẩm định giá trị các DN chưa niêm yết” của ThS Lâm Thị Thanh Huyền – giảng viên Bộ môn Định giá tài sản. Tham luận đã chỉ ra những khó khăn khi áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền để thẩm định giá đối với loại hình DN này; đồng thời đưa ra một số lưu ý trong việc ước tính dòng tiền, tỷ lệ tăng trưởng kỳ vọng, thời gian tồn tại và nhất là việc ước lượng tỷ lệ chiết khấu có ý nghĩa quyết định tới kết quả xác định giá trị DN của các DN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

ThS. Lâm Thị Thanh Huyền – BM ĐGTS trình bày tham luận

Tham luận của TS. Đặng Phương Mai – giảng viên Bộ môn TCDN với chủ đề “Phương pháp xác định giá trị thương hiệu và điều kiện áp dụng trong thực tế” đã được hội thảo đánh giá cao và nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi từ các đại biểu tham dự hội thảo. Bài tham luận làm rõ vai trò của thương hiệu đối với các DN. Đây chính là tài sản vô hình vô cùng quan trọng mà trong không ít trường hợp: thương hiệu chính là mục đích của các giao dịch M&A. Bài tham luận đã đưa ra 04 phương pháp xác định giá trị thương hiệu dựa trên chi phí, thu nhập, thị trường và lợi ích kinh tế.

TS Đặng Phương Mai – giảng viên BM TCDN trình bày tham luận về phương pháp xác định giá trị thương hiệu của DN

Một trong những yếu tố góp phần mang lại thành công của Hội thảo đó là sự đổi mới về cách làm của Ban tổ chức. Trừ phần khai mạc và phát biểu đề dẫn, các diễn giả tại hội thảo đều đứng tại chỗ, trình bày vắn tắt trong thời gian không quá 5 phút những nội dung chính, những kết luận mới qua nghiên cứu của mình thay cho việc lên bục đọc lại toàn văn tham luận đã được in trong kỷ yếu. Đặc biệt, lần đầu tiên trong khoa TCDN và Học viện Tài chính, ban tổ chức hội thảo đã thực hiện việc phân công các nhà khoa học có uy tín bình luận đối với tham luận của các diễn giả trình bày tại hội thảo. Bằng sự uyên thâm của mình, các nhà khoa học trong vai trò người bình luận sẽ đưa ra những đánh giá về những kết quả đạt được hoặc sự thành công trong bài tham luận, đồng thời cũng gợi mở những định hướng mà tác giả tham luận cần tiếp tục nghiên cứu để làm sâu sắc thêm giá trị khoa học trong các nghiên cứu của diễn giả. Cách làm này thực sự gây nên sự hào hứng đối với đối với cả diễn giả tham luận và các đại biểu tham dự; chính điều này đã làm cho không khí của hội thảo luôn luôn sôi nổi, mặc dù nhiệt độ ngoài trời lên tới 440C và hội thảo đã kéo dài thêm một tiếng so với thời gian dự tính ban đầu mà các đại biểu tham dự vẫn ngồi chật kín phòng họp A Đức Thắng.

Nhiệt độ ngoài trời trên 400C không ảnh hưởng tới tính hấp dẫn và

sự tập trung của các đại biểu tham dự hội thảo: Phòng họp A không còn một chỗ trống

Ban Tổ chức và các đại biểu tham dự hội thảo

Sau hơn 03 giờ làm việc khẩn trương, Hội thảo khoa học “Xác định giá trị DN – Từ lý luận đến thực tiễn” đã gặt hái được nhiều kết quả và để lại những dư âm tốt đẹp. Tuy thời gian không nhiều nhưng hội thảo đã làm rõ nét được những vấn đề xung quanh xác định giá trị DN ở Việt Nam, làm rõ cơ sở lý thuyết về giá trị DN và yêu cầu đặt ra trong xác định giá trị DN, đánh giá thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số biện pháp, kiến nghị để nâng cao tính khoa học và độ tin cậy trong việc xác định giá trị DN ở VN. Khép lại với sự thành công rực rỡ và nhiều dư âm đọng lại, Hội thảo Khoa TCDN sẽ trở lại vào năm sau với nhiều thành công và chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo sự chú ý của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và những chuyên gia làm công tác định giá DN trong thực tiễn. Chúng ta có quyền kỳ vọng và mong muốn điều đó sớm trở thành hiện thực.

*Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:

TS Nguyễn Minh Hoàng đang bình luận xung quanh tham luận của

TS Diêm Thị Thanh Hải về tác động của hoạt động R&D tới giá trị doanh nghiệp

Các đại biểu tham dự chăm chú lắng nghe tham luận của các diễn giả

PGS.TS. NGND Nguyễn Đăng Nam đang trao đổi ý kiến xung quanh giả định

về sự biến động của dòng tiền trong phương pháp Chiết khấu dòng tiền

Một số giảng viên trẻ của khoa đang lắng nghe các ý kiến trao đổi tại hội thảo

ThS. Trần Thị Thanh Hà – Phó Trưởng Bộ môn Định giá tài sản đang trao đổi

xung quanh tham luận về xác định giá trị thương hiệu

TS. Phạm Thị Vân Anh – Phó Trưởng Bộ môn TCDN đang trao đổi ý kiến về

phương pháp xác định giá trị DN trong trường hợp các DN chưa niêm yết

ThS. Vũ Đức Kiên và ThS. Nguyễn Thu Thương – hai giáo viên mới của khoa,

rất nhanh chóng nhập cuộc các hoạt động của Khoa

Các giảng viên Bộ môn ĐGTS là những người phấn khởi nhất

Một góc nhìn của hội thảo

TS.Nguyễn Việt Dũng – đại biểu đến từ Đại học Thái Nguyên

Tập trung và hào hứng – đó là đặc điểm của hội thảo

Niềm vui vỡ oà vì thành công của hội thảo