Trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính nhận được thông tin phản ánh liên quan tới một số vướng mắc trong quy trình thẩm định giá (khảo sát, thu thập và kiểm chứng thông tin); thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thẩm định giá, ngày 12/6/2020, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 112/QLG-QLTĐG để làm rõ hơn nội dung quy định về khảo sát, thu thập và kiểm chứng thông tin trong thẩm định giá, đồng thời yêu cầu Tổng giám đốc/Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, các thẩm định viên về giá đang đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá rà soát và thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

– Hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là hoạt động kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá hoạt động trong lĩnh vực này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, Hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan khác. Đồng thời, tại Khoản 02 Điều 42 Luật giá cũng đã xác định cụ thể nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, trong đó điểm c đã quy định rõ doanh nghiệp “chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá”.

– Tuân thủ các quy định về Quy trình thẩm định giá tại Điều 30 của Luật giá và được làm rõ tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 gồm các bước sau: (1) Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá; (2) Lập kế hoạch thẩm định giá; (3) Khảo sát thực tế, thu thập thông tin; (4) Phân tích thông tin; (5) Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá; (6) Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.

Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện đúng quy định của pháp luật về thẩm định giá.

CV 112 (gui DN khao sat thu thap thong tin).pdf